Trong bối cảnh thị trường bất động sản liên tục leo thang về giá, những dự án nhà ở xã hội đang dần trở thành “điểm sáng” mới, mang lại niềm hy vọng an cư cho người dân thu nhập thấp. Dù chưa thực sự bùng nổ, nhưng các động thái mới trên thị trường đang cho thấy nguồn cung nhà ở xã hội năm 2025 sẽ có nhiều khởi sắc.
Hà Nội và các tỉnh lân cận đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội
Ngay từ đầu tháng 3/2025, Hà Nội đã ghi nhận dự án nhà ở xã hội mới tại Khu đô thị Kim Chung (Đông Anh) do liên danh Handico và Viglacera làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên khu đất rộng gần 3,7ha, bao gồm 4 tòa nhà cao 12 tầng, cung cấp ra thị trường tổng cộng 1.588 căn hộ. Dự án dự kiến hoàn thiện và bàn giao từ quý IV/2026, góp phần đáng kể vào quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực phía Bắc Hà Nội.
Ngoài ra, Long Biên cũng đang rục rịch đón thêm hai dự án nhà ở xã hội mới nằm trong khu Thượng Thanh, với tổng diện tích hơn 6ha. Các dự án này bao gồm 3 tòa chung cư cao 22 tầng cùng 44 căn nhà liền kề, do liên danh Him Lam Thủ đô và BIC Việt Nam đầu tư. Trong đó, tòa CT1 có tên thương mại là Rice City Thượng Thanh sẽ do BIC Việt Nam phát triển, còn các hạng mục còn lại do Him Lam Thủ đô thực hiện. Đây là các dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Long Biên.

Đáng chú ý, Hà Nội còn đang thúc đẩy việc chuyển đổi các dự án nhà ở xã hội cũ từ cho thuê sang sở hữu, như tại dự án CT2A – Khu nhà ở Thạch Bàn (Long Biên) với 82 căn hộ có diện tích từ 69-70m2, giá bán dự kiến khoảng 12,3 triệu đồng/m2. Tương tự, tại khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm), 270 căn hộ khác cũng đang được chào bán sau khi kết thúc giai đoạn cho thuê.
Không chỉ Hà Nội, các tỉnh lân cận cũng cho thấy quyết tâm trong việc mở rộng quỹ nhà ở xã hội. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc, dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên đã chính thức khởi công, với tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng. Dự án gồm 38 tòa nhà cao 11-15 tầng, dự kiến sẽ cung cấp hơn 5.300 căn hộ ra thị trường trong giai đoạn 2026 – 2030.
Nhà ở xã hội Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên được chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 được xây dựng gồm 5 tòa nhà với 700 căn hộ, thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2026; Giai đoạn 2 gồm 9 tòa nhà với 1.260 căn hộ, thời gian dự kiến được xây dựng trong 2 năm từ 2026 đến 2028. Giai đoạn 3 được xây dựng từ 2027-2030 gồm 24 tòa nhà với 3.360 căn hộ.
Nhà ở xã hội: bước vào giai đoạn “vàng”?
Giới chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ là thời điểm khởi đầu cho làn sóng phát triển mạnh mẽ của nhà ở xã hội. Tại hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai hàng loạt giải pháp then chốt, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (giảm tối thiểu 30% trong năm 2025) đến điều chỉnh các quy chuẩn, cơ chế vốn và huy động thêm nguồn lực xã hội hóa. Những động thái này được kỳ vọng sẽ “mở khóa” nhiều nút thắt tồn đọng lâu nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà ở xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu quốc gia về phát triển nhà ở xã hội cũng đã được thiết lập rõ ràng với Quyết định 444/QĐ-TTg. Trong đó, giai đoạn 2025-2030, cả nước cần hoàn thành gần 1 triệu căn hộ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người lao động và người thu nhập thấp.
Không dừng lại ở chính sách, mặt bằng lãi suất cho vay nhà ở xã hội cũng đang được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ người dân tốt hơn. Từ ngày 1/1/2025, mức lãi suất vay mua nhà ở xã hội đã giảm nhẹ từ 4,8%/năm xuống còn 4,7%/năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng được hưởng ưu đãi vay tối đa 30% nguồn tái cấp vốn từ ngân hàng nhà nước.
Tổng hợp các yếu tố trên cho thấy, năm 2025 đang dần trở thành “bệ phóng” quan trọng cho làn sóng phát triển nhà ở xã hội trên cả nước. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội sở hữu nhà ở cho hàng trăm ngàn hộ gia đình thu nhập thấp trong tương lai gần.